Bối cảnh Chiến_dịch_Mole_Cricket_19

Hệ quả của Chiến tranh Yom Kippur

Trong cuộc Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Ai Cập có 20 hệ thống tên lửa đất đối không lưu động SA-6, được hỗ trợ bởi 70 hệ thống SA-2, 65 hệ thống SA-3, 2.500 khẩu pháo phòng không và khoảng 3.000 khẩu tên lửa phòng không vác vai SA-7. Syria triển khai thêm 34 khẩu đội tên lửa đất đối không. Trong ba ngày đầu tiên, Không quân Israel mất 50 máy bay trong khoảng 1.220 phi vụ, một tỉ lệ tổn thất là 4%. SA-6, SA-7, và ZSU-23-4 đã bắn rơi 53 trong số 170 máy bay A-4 Skyhawk và 33 trong số 177 máy bay F-4 Phantom của Israel. Kết quả là Không quân Israel nhận thấy rằng họ gặp khó khăn trong việc yểm trợ trên không cho các lực lượng bộ binh của mình. Khi Ai Cập thử nâng tầm hoạt động của các khẩu đội tên lửa đất đối không của họ vào ngày 14 tháng 10 thì Không quân Israel mất 28 máy bay. Ezer Weizman, một cựu tư lệnh không quân Israel, nói rằng "cánh của khu trục cơ bị gãy vì tên lửa đất đối không".[2] Giữa năm 1973 và 1978, Không quân Israel đã tiến hành một dự án chính nhằm tìm ra câu trả lời cho mối đe dọa của tên lửa đất đối không.[12]

Một may mắn đến với Israel là vào năm 1975, Chính phủ Ai Cập của Tổng thống Anwar Sadat đã quay sang ủng hộ phương Tây, ông ta đã cho phép Mỹ tiếp cận toàn bộ những vũ khí mà Liên Xô bán cho quân đội Ai Cập. Kết quả là Mỹ đã nắm khá rõ tính năng của những loại tên lửa SA-2, SA-3SA-6 (đây cũng là những loại tên lửa phòng không chủ chốt của Syria), và những thông tin này đã được cung cấp cho Israel để họ đề ra các biện pháp đối phó[13]

Ngày 28 tháng 5 năm 1980, các tên lửa có điều khiển của Không quân Israel đã phá hủy hai xe bọc thép chở các khẩu đội SA-9 của quân Libya gần Sidon.[14] Truyền thông Israel tuyên bố rằng một lời giải cho vấn đề tên lửa đất đối không đã tìm được, nhưng tư lệnh không quân là David Ivry nói rằng vụ thử nghiệm này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, và rằng SA-9 thực sự không ưu việt hơn nhiều so với các tên lửa tiền thân của nó. Thủ tướng Menachem Begin lúc đó cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Israel thông báo rằng Không quân Israel có khả năng phá hủy các khẩu đội tên lửa đất đối không trong vòng 2 giờ. Ivry lại nói với giới truyền thông rằng Không quân Israel không có khả năng làm như thế.[15]

Khủng hoảng tên lửa đất đối không 1981

Ngày 29 tháng 4 năm 1981 Không quân Israel (các máy bay F-16A thuộc phi đoàn 117 tại căn cứ không quân Ramat David) bắn rơi hai trực thăng của Syria trên bầu trời Liban. Syria đáp trả bằng cách triển khai lữ đoàn tên lửa địa đối không đầu tiên của mình trong Thung lũng Beqaa. Các khẩu đội tên lửa địa đối không này không là mối đe dọa trực tiếp đối với Israel, và cũng đã có các khẩu đội tên lửa địa đối không khác của Syria đặt trong phía đông Liban, nằm bên kia biên giới. Thủ tướng Israel, Begin, đối mặt với thế lưỡng nan: một mặt thì việc triển khai mới này có thể gây thiệt hại cho khả năng răn đe của Israel và mặt khác thì một cuộc phản kích của Israel có thể dẫn đến đụng độ không cần thiết với Syria. Sau cùng, ông quyết định một cuộc tấn công được mở màn vào ngày 30 tháng 4, nhưng chiến dịch này bị hủy bỏ vì điều kiện thời tiết.[16] Vào lúc thời tiết trở nên thuận lợi thì Không quân Israel lại bị bận rộn với việc chuẩn bị cho Chiến dịch Opera.[12] Trong lúc đó thì Hoa Kỳ lo ngại rằng phản ứng của Liên Xô đối với một cuộc tấn công của Israel có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng giữa hai siêu cường nên Hoa Kỳ làm áp lực buộc Begin không tấn công. Israel đồng ý hủy bỏ cuộc tấn công. Hoa Kỳ phái một đặc sứ Mỹ là Philip Habib đến vùng để làm trung gian thương thuyết. Ông đi lại giữa JerusalemDamascus nhưng thất bại trong việc thuyết phục Syria dẹp các khẩu đội tên lửa địa đối không.[17]

Ngày 14 tháng 12, Israel thông qua Luật Cao nguyên Golan sáp nhập vùng Cao nguyên Golan chiếm từ Syria vào Israel. Tổng thống Hafez al-Assad của Syria xem nó như một lời tuyên chiến nhưng tin rằng Syria không có điều kiện để khai chiến.[18] Luật này khiến cho Israel đối mặt với những chỉ trích nặng nề của quốc tế và Hoa Kỳ. Ngày 20 tháng 12, Nội các Israel nhóm họp trong một cuộc họp hàng tuần trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Ariel Sharon và tham mưu trưởng Rafael Eitan đệ trình "Đại Kế hoạch" cho một cuộc tiến công vào Liban mà bao gồm việc chiếm Xa lộ Beirut-Damascus. Begin ủng hộ kế hoạch nhưng các thành viên khác trong nội các chống đối và ông đã quyết định hủy bỏ nó.[19]

Chiến dịch phá hủy các hệ thống tên lửa địa đối không ban đầu được gọi tên là "Mole 3", nhưng chữ số được nâng lên theo tổng số khẩu đội tên lửa địa đối không của Syria được phát hiện dần dần lên đến 19. Đến đây tên được đổi thành "Mole Cricket" theo tên kế hoạch được lập ra cho một cuộc chiến tổng thể kể từ năm 1973 để chuẩn bị tâm lý cho lực lượng. Tên này đầu tiên được tiết lộ vào năm 2002.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Mole_Cricket_19 http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.docstoc.com/docs/42891479/Air-Combat-Pa... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.youtube.com/watch?v=Zu-W3pRWysE&NR=1 http://www.youtube.com/watch?v=laD9yQa-JaM&feature... http://www.iaf.org.il/Templates/Journal/Journal.In... http://www.acig.info/CMS/index.php?option=com_cont... http://www.airpower.maxwell.af.mil/airchronicles/a... //www.worldcat.org/issn/0040-781X